Tổng quan về báo chí tại Việt Nam thời Pháp thuộc Tiếng Dân (báo)

Trước khi Pháp xâm lược Đông Dương, kỹ thuật in ấn tại Việt Nam chủ yếu là mộc bản (in khắc gỗ).[3] Cho đến khi chính phủ Pháp chuyển trang thiết bị in ấn sang thì kỹ thuật in ấn hiện đại mới bắt đầu phổ biến. Năm 1861, tờ báo tiếng Pháp Le Bulletin Officiel de l’expédition de la Cochinchine (Nam kỳ viễn chinh Công báo) được thành lập nhằm phục vụ mục đích cai trị của chính quyền, là nhà in đầu tiên tại Nam Kỳ. Nhiều nhà in do người Pháp làm chủ lần lượt xuất hiện.[4][5] Ngày 29 tháng 7 năm 1881, Đạo luật về tự do báo chí được thông qua cho phép tất cả mọi tờ báo được ấn hành tự do, với điều kiện người quản lý phải có quốc tịch Pháp và khai báo với Sở Biện lý;[6] chế độ lưu chiểu được ban hành kèm theo Đạo luật này, yêu cầu mọi xuất bản phẩm nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Pháp (trừ những xuất bản phẩm lĩnh vực hành chính và thương mại).[7] Nhận thấy được "nguy cơ tiềm ẩn" từ Đạo luật tự do 1881, ngày 30 tháng 12 năm 1898 chính quyền Pháp tiếp tục ban hành Sắc lệnh mới yêu cầu mọi tờ báo phải trải qua khâu kiểm duyệt và nộp tới 4 bản lưu chiểu (thay vì 2 như trước), toàn bộ xuất bản phẩm lưu chiểu sẽ được thống kê và đăng định kỳ trên tờ Journal officiel de l’indochine (Công báo Đông Dương).[8] Đến thập niên 1920, nhiều nhà in tư nhân tiếng Việt được thành lập và hoạt động song song với các tờ công báo.[9][1] Mặt khác, hầu hết nhà in độc lập có nguy cơ bị đình bản vì nhiều nguyên nhân (thiếu kinh phí duy trì, thua lỗ, người đặt báo không trả tiền hoặc bị chính quyền kiểm duyệt) và phải tổ chức các hoạt động gây quỹ, kinh doanh thương mại hoặc phụ thuộc vào những người giàu có.[10][11]. Ngày 1 tháng 1 năm 1935, chính quyền Pháp hủy bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, nhưng thu hồi giấy phép gay gắt hơn trước.[12] Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, ngày 26 tháng 9 năm 1939, chính quyền Pháp ban hành Sắc lệnh mới khiến nền tự do báo chí bị trấn áp hoàn toàn.[13][14] Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Đế quốc Nhật đảo chính Pháp và áp dụng chính sách báo chí cũ của chế độ cũ.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng Dân (báo) https://books.google.com/books?id=Y7wzAAAAIAAJ https://www.google.com/books/edition/_/Gl9QAQAAMAA... https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/19426/va... https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_doc... http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c477/n31810/... https://www.google.com/books/edition/B%C3%A1o_ch%C... http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p2/c15/n1042... https://www.google.com/books/edition/Hu%E1%BB%B3nh... https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_doc... https://vjol.info.vn/index.php/ncpt-hue/article/vi...